Duy trì cân nặng ổn định là mục tiêu của tất cả mọi người, đặc biệt đối với người mắc bệnh tiểu đường vì thừa cân có thể khiến việc kiểm soát đường máu của họ trở nên khó khăn hơn, đồng thời là nguy cơ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Do đó chế độ dinh dưỡng bệnh tiểu đường sẽ có những khác biệt nhất định cần phải chú ý.
1. Người bệnh tiểu đường nên ăn gì?
Dinh dưỡng dành cho người tiểu đường nên tập trung vào các loại protein từ thịt nạc, thực phẩm giàu chất xơ, trái cây và rau củ, sữa ít béo và các chất béo từ thực vật như bơ, dầu hạt, dầu oliu. Lượng protein hấp thu của người tiểu đường nên được kiểm soát kỹ càng, tốt nhất là dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng.
Những người có chuyên môn sẽ đưa ra các mục tiêu cụ thể về dinh dưỡng trong bữa ăn của người bệnh. Thông thường thì phụ nữ nên sử dụng khoảng 45 g carbohydrate mỗi ngày trong khi nam giới là khoảng 60g. Nguồn thực phẩm lý tưởng nhất để hấp thu là từ trái cây và rau củ.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đã đưa ra danh sách các loại thực phẩm tốt cho người mắc bệnh tiểu đường gồm có:
- Protein: đậu, bơ, gia cầm, trứng và các loại cá như cá hồi, cá thu, cá ngừ
- Trái cây và rau củ: dâu tây, khoai lang và các loại rau không chứa tinh bột như măng tây, bông cải xanh, cải xoăn và đậu bắp
- Sữa: các loại sữa, sữa chua không hoặc ít chất béo
- Các loại hạt: gạo lứt, mì ống làm từ lúa mì
- Uống nước cũng rất quan trọng đối với sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường, nên bổ sung các loại nước không chứa calo như nước lọc, trà bất cứ khi nào có thể
2. Các loại thực phẩm người tiểu đường nên tránh
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng quy định, cũng có những loại thực phẩm mà người tiểu đường nên hạn chế ăn. Những loại thực phẩm này có thể gây tăng đột biến lượng đường trong máu hoặc chứa các chất béo có hại cho cơ thể như:
- Các loại hạt đã qua chế biến như gạo trắng hoặc mì ống thông thường
- Các thực phẩm có nguồn gốc từ trái cây đã bổ sung chất tạo ngọt như sốt táo, mứt, trái cây đóng hộp
- Các loại sữa đầy đủ chất béo
- Đồ chiên hoặc thực phẩm giàu chất béo
- Thực phẩm làm từ bột hoặc bất kỳ thức ăn nào làm lượng đường huyết tăng cao.
3. Các chỉ số cụ thể về chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường
Dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường không chỉ cần đảm bảo về thành phần mà còn phải phù hợp về tỷ lệ như:
Đạm (protein): nên đạt 0,8g/ kg/ ngày đối với người lớn, nếu vượt quá có thể ảnh hưởng xấu, đặc biệt đối với bệnh nhân có bệnh lý thận sớm. Trong xây dựng chế độ dinh dưỡng thì thành phần năng lượng do protein nên chiếm 15-20% năng lượng khẩu phần
Chất béo (Lipit): Bệnh nhân nên ăn chất béo một cách vừa phải, đồng thời giảm chất béo động vật vì trong đó có nhiều chất béo bão hòa dễ gây nên xơ vữa động mạch. Tuy nhiên thì chất béo lại có vai trò quan trọng trong việc bù lại phần năng lượng do glucid cung cấp, nên bệnh nhân cần hướng tới sử dụng các chất béo chưa bão hòa có nhiều trong dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu hướng dương,… Tỷ lệ này nên chiếm 25% tổng số năng lượng khẩu phần nhưng không vượt quá 30%.
Chất bột đường (Glucid): chế độ ăn của bệnh nhân tiểu đường nên hạn chế glucid, vì sau khi ăn đường máu có xu hướng tăng vọt nhưng lại không thể chuyển hóa để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Hạn chế hết mức các loại thực phẩm chứa đường đơn hoặc chứa hàm lượng đường cao như: bánh kẹo, nước ngọt,… Tỷ lệ năng lượng do glucid cung cấp nên đạt 50-60% tổng năng lượng khẩu phần.